VKU: Khai trương Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học & Công nghệ số (eSTI)

Trong khuôn khổ Dự án ODA 7,7 triệu USD do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, chiều ngày 19/12/2022, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng phối hợp KOICA tổ chức Lễ khai trương Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học & Công nghệ số (eSTI). Đây là dấu ấn quan trọng của VKU trong việc sẵn sàng tiếp nhận các hạng mục của dự án ODA giai đoạn 2022-2027 nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu của dự án đề ra, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo, quản trị và nghiên cứu của Nhà trường trong thời gian đến.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học & Công nghệ số (eSTI)

 Tham dự sự kiện có Bà Yeom Ji Yeon-Phó Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ông Cho Han Deo-Giám đốc KOICA tại Việt Nam; Ông Kwak Jae Sung – Giám đốc tư vấn quản lý dự án PMC; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Giám đốc ĐHĐN; Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Ông Lê Đức Viên-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; Ông Trần Ngọc Thạch-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng VKU; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch Hội đồng trường VKU; TS. Trần Thế Sơn-Phó Hiệu trưởng VKU; Đại diện Lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng thuộc ĐHĐN; các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp ICT Việt Nam; cùng cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên nhà trường.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU phát biểu tại lễ khai trương Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học & Công nghệ số (eSTI)

 Phát biểu tại Lễ khai trương, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Việc thành lập Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như Viện Khoa học và Công nghệ số sẽ thúc đẩy toàn diện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong Nhà trường; gắn kết chặt chẽ mục tiêu, định hướng phát triển Nhà trường với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, không gian nghiên cứu này sẽ là nơi tiếp nhận các hạng mục đầu tư của dự án ODA giai đoạn 2022-2027 sắp triển khai.

 Tại Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của VKU sẽ bao gồm: khu làm việc của Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI), Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Không gian nghiên cứu (Research Space), Không gian sáng chế (Maker Space), Thư viện và không gian tự học (Library and Self-study Space), các phòng học thông minh (Smart Classrooms), các Studios sản xuất nội dung truyền thông số, các phòng Lab thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR&AR) và đặc biệt có Câu lạc bộ Sinh viên Lập trình viên Google (Google Developer Student Club – GDSC VKU) do sinh viên VKU (năm 4) làm chủ nhiệm được Google công nhận.

Hình bố trí tại không gian nghiên cứu đổi mới sáng tạo VKU: Conference Room, Connective HUB Room 1, Connective HUB Room 2, Hybird Classroom

 Bên cạnh đó, VKU đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) nhằm mục đích tạo ra một môi trường gắn kết cho việc hợp tác, trao đổi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Nhà trường và các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý – hoạch định chính sách – và các lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tối đa hóa chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học cũng như thúc đẩy sự ứng dụng của khoa học – công nghệ trong thực tế, thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ và sáng tạo của Nhà trường, tạo tiền để cho sự phát triển bền vững của Nhà trường với tham vọng vươn tầm quốc tế.

Hình bố trí tại không gian nghiên cứu đổi mới sáng tạo VKU: IOT Maker Space, Smart Classroom, Smart Classroom2, Smart Technology Lab

 eSTI với cơ cấu tổ chức hiện tại gồm có 01 Viện trưởng, 01 Phó Viện trưởng, bộ phận Văn phòng hành chính và hơn 15 nghiên cứu viên là giảng viên của VKU. eSTI cũng vinh dự được chào đón các chuyên gia cao cấp tham gia cố vấn gồm GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành – Giáo sư nhà nước Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của IEEE SMC về Tính toán trí tuệ nhóm; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lê Minh Hòa – Đại học Northumbria – Vương quốc Anh.

 Ngay khi thành lập, eSTI đã xây dựng 7 nhóm nghiên cứu chính như: Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ Truyền thông Thế hệ Mới; Công nghệ mới trong y học; Vật liệu Tiên tiến; Trí tuệ nhân tạo và IoT; Hệ thống thông minh; Trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số. Và đến nay, eSTI đã đề xuất và đang triển khai 3 dự án nghiên cứu như:

– Tối ưu vùng phủ đối tượng đảm bảo kết nối và kéo dài tuổi thọ mạng cảm biến không dây trong triển khai hệ thống IoT (Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Huỳnh Công Pháp).

– Phát triển du lịch thông minh dựa trên metaverse và trí tuệ nhân tạo (Chủ nhiệm dự án: PGS.TS Nguyễn Thanh Bình).

– NeralMed -Nút giao công nghệ và y tế (Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Quang Vũ).

Mặc dù mới được thành lập trong thời gian ngắn, nhưng eSTI đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc hợp tác thực hiện các dự án cụ thể như:

– Xây dựng phòng nghiên cứu và các dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới (hợp tác giữa eSTI và NalSolution, Nix và Necscat Companies).

– Xây dựng phòng nghiên cứu và các dự án nghiên cứu về công nghệ số và truyền thông (hợp tác giữa eSTI và VNPT tại Đà Nẵng).

– Xây dựng phòng nghiên cứu và các dự án nghiên cứu về công nghệ cao (hợp tác giữa eSTI và Enouvo IT Solutions).

– Dự án IT Learning HUB (hợp tác giữa eSTI và Công ty TechTown).

Hình ảnh Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI)

 Với vị thế và vai trò của một trường Đại học duy nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, định hướng đào tạo quốc tế, VKU xác định sứ mạng của mình là tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, bản lĩnh làm chủ sự đổi mới sáng tạo và tạo ra sản phẩm xuất sắc ngay từ khi sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường. VKU đã tiên phong làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý hình thành chuỗi sự kiện Trí tuệ Việt – Khát vọng toàn cầu. Qua đó, VKU đã phối hợp và tổ chức được 3 sự kiện với các chủ đề: Đào tạo và sản xuất công nghệ lõi; Khởi nghiệp công nghệ; Trí tuệ nhân tạo – Chìa khóa mở tương lai; và định kỳ tổ chức hàng năm để truyền cảm ứng và thúc đẩy niềm đam mê, khát khao nghiên cứu của sinh viên nhà trường.

 Từ những kết quả bước đầu và mục tiêu đề ra, VKU hy vọng Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học và Công nghệ số sẽ là môi trường tốt nhất, là nơi hội tụ nghiên cứu, đào tạo, phát triển các giải pháp, ứng dụng, triển khai, chuyển giao và tham mưu các chính sách trong tất cả các ngành nghề sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Một số hình ảnh:

302 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng