VKU tiếp và làm việc với Tổ chức Passerelles Numériques tại Việt Nam
Chiều ngày 10/10/2024, tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã có buổi tiếp và làm việc với Tổ chức Passerelles Numériques tại Việt Nam (PNV).
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự, về phía PN có bà Phượng Đỗ-CEO Tổ chức PN toàn cầu, bà Trang Võ-Giám đốc quốc gia PNV, cùng các thành viên đoàn công tác; về phía VKU, có PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Huỳnh Ngọc Thọ-Phó Hiệu trưởng, cùng Lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Nhà trường.
PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại buổi làm việc
Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp bày tỏ vui mừng được đón và làm việc với Tổ chức Passerelles Numériques tại Việt Nam. VKU được thành lập từ năm 2020, với chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm là 1.500 chỉ tiêu, điểm chuẩn đầu vào trung bình 24 điểm cho 16 ngành/chuyên ngành đào tạo các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số. Đến nay, VKU đã có gần 7.000 sinh viên và định hướng đạt 10.000 sinh viên đại học, sau đại học đến năm 2030. Đội ngũ cán bộ giảng viên hiện có gần 300 người, trong đó có gần 70 tiến sỹ và phó giáo sư. Bên cạnh đó, VKU đã chú trọng kết nối và xây dựng mạng lưới trên 200 đối tác chiến lược gồm các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia quá trình đào tạo, tuyển dụng việc làm và tài trợ, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo Chương trình toàn cầu song ngữ Anh-Việt, Nhật-Việt, Hàn-Việt,…. và triển khai nhiều hoạt động, sân chơi, chương trình trao đổi học thuật-văn hóa quốc tế, triển khai dự án thực tế, thực tập, hợp tác doanh nghiệp, tăng cường giảng dạy bằng ngoại ngữ, nhất là 100% các luận văn tốt nghiệp của sinh viên được viết/trình bày bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, VKU đang triển khai dự án ODA trị giá 7,7 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, và nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp lớn, cũng như sự hỗ trợ từ Đại học Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng và Chính phủ Việt Nam.
Năm học 2023-2024, VKU tiên phong trong tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực chiến lược như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính và logistics. Đây là những lĩnh vực trọng tâm cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng theo tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, trong đó định hướng phát triển trung tâm vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và trung tâm tài chính quốc tế tầm vóc khu vực. Nhà trường cũng đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý trong năm học qua: tuyển sinh thành công ngành thiết kế vi mạch với điểm chuẩn 27 thuộc Top cao cả nước, triển khai mở ngành và thành lập Trung tâm Fintech Hub, đào tạo thạc sĩ công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế, tổ chức nhiều chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với hơn 70 lượt sinh viên nhận được tài trợ thực tập tại Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản;
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng VKU đã dành sự quan tâm nhiều đến các chương trình, hoạt động cho cộng đồng, xã hội điển hình như mức học phí ưu đãi của nhà trường được giữ ở mức 6 triệu đồng – 8 triệu đồng/1 học kỳ (trong 3 năm); hỗ trợ phí ký túc xá khoảng từ 100.000 đồng/1 sinh viên/1 tháng và nhiều chính sách hỗ trợ học bổng đầu vào, học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên; tổ chức nhiều sân chơi học thuật, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên nhằm tăng cường rèn luyện kỹ năng, chất lượng đào tạo giúp sinh viên có cơ hội triển khai các ý tưởng, sáng tạo; chương trình học bổng đồng hành cùng học sinh các trường THPT ở khu vực miền Trung, …
Qua đó, VKU mong muốn được mở rộng cơ hội hợp tác với các Tổ chức, Quỹ đầu tư trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hỗ trợ cho học sinh, sinh viên ở miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung với tinh thần triết lý giáo dục “Nhân bản – Phụng sự – Khai phóng” của VKU.
Bà Phượng Đỗ-CEO Tổ chức PN toàn cầu phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện PN, bà Phượng Đỗ-CEO Tổ chức PN toàn cầu cảm ơn sự đón tiếp của VKU và cho biết, Passerelles numériques là tổ chức phi chính phủ của Pháp thành lập năm 2005 và hiện đang hoạt động tại 3 quốc gia châu Á: Campuchia, Philippines, Việt Nam và Madagascar. Với sứ mệnh là tạo điều kiện cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành, được đào tạo chuyên môn và đào tạo kĩ năng trong lĩnh vực kĩ thuật số bằng cách phát huy tối đa tiềm năng cũng như sức mạnh ý chí của các em. PN nỗ lực giúp các em có việc làm nhằm giúp các em và gia đình thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Các đối tượng PN hỗ trợ là các thanh thiếu niên có hoàn cảnh rất khó khăn, rất cần sự giúp đỡ tùy theo đặc thù mỗi nước mà PN có trung tâm đào tạo đang hoạt động, các tiêu chí tuyển sinh sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Tại Việt Nam, từ năm 2010, PNV đã và đang thay đổi cuộc sống của gần 700 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua giáo dục CNTT với chương trình đào tạo và thực hành thiết thực trong 3 năm, cùng chương trình giáo dục phát triển bản thân giúp sinh viên trở thành những người trẻ độc lập và tự chủ trên tinh thần giá trị của PN: Tin cậy – Trách nhiệm – Đoàn kết – Tôn trọng và Không ngừng đổi mới.
Qua những trao đổi, đại diện hai bên đã tìm thấy được sự tương đồng giữa những hoạt động của nhà trường với các hoạt động của PN đang thực hiện. Hy vọng qua sự kết nối này, hai bên sẽ cùng nhau tạo được những hiệu ứng tích cực với những hoạt động thiết thực dành cho cộng đồng và xã hội trong tương lai.
Kết thúc buổi làm việc, đoàn PN đã đến thăm mô hình đào tạo song ngữ Nhật-Việt của NIX Education, tham quan các khu giảng đường, ký túc xá, phòng ở sinh viên, căn tin, …
Trung tâm Học liệu và Truyền thông
Một số hình ảnh:
164 Views