VKU tiếp đón và làm việc với Đoàn Doanh nghiệp, Nhà đầu tư tham quan, khảo sát thực địa trong khuôn khổ Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024
Sáng ngày 29/08/2024, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng hân hạnh tiếp đón Đại diện doanh nghiệp, Nhà đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn (Ansys, Sioux Technologies, Uniquify, Savills, Cushman & Wakefied, Kangnam, K&H, VietPat, SaigonTel, Nomikai, Tecotec, Microchip Việt Nam, Talentnet Corporation, ASIC, Irtech) đến tham quan và khảo sát thực địa trong khuôn khổ Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 nhằm tìm hiểu, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đồng thời tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Toàn cảnh buổi làm việc
Chủ trì buổi tiếp và làm việc, TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường vui mừng chào đón Đại diện Doanh nghiệp, Nhà đầu tư đã có chuyến tham quan, khảo sát thực địa tìm hiểu, tạo cơ hội kết nối giữa Doanh nghiệp và nhà trường.
VKU là trường đại học công lập hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số. Tiên phong trong đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy học theo hướng khai phóng, 100% sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh, định hướng đào tạo người học một cách toàn diện Đức – Trí – Thể – Mỹ; tiên phong mở và đào tạo các ngành mới của công nghiệp 4.0, đặc biệt là trường đầu tiên tại Miền Trung – Tây Nguyên công bố tuyển sinh, đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn kể từ năm 2024. VKU đã đóng vai trò quan trọng, chủ trì hợp tác với các đối tác uy tín như Viện CNTT – ĐHQG Hà Nội, Synopsys,… đào tạo lớp giảng viên nguồn đầu tiên tại TP. Đà Nẵng gồm 24 học viên là các giảng viên được chọn lựa từ các trường đại học, đồng thời mở và đào tạo lớp upskills vi mạch bán dẫn cho các sinh viên các năm cuối nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ trong buổi làm việc
Theo đó, TS. Trần Thế Sơn chia sẻ thêm, từ năm 2021 VKU đã bắt đầu đào tạo các lĩnh vực Nhúng, IoT, và một số học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý… và hiện đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. VKU có 30 giảng viên cơ hữu về vi điện tử, vi mạch bán dẫn, kỹ thuật máy tính. Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, VKU tự hào sở hữu cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. VKU cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị tiên tiến, được hỗ trợ từ nhiều đơn vị đối tác uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, VKU đã thành lập Trung tâm Vi mạch Bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH), nơi tập trung các thiết bị và công nghệ hàng đầu phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. Năm 2024, VKU tuyển sinh khóa Thiết kế vi mạch đầu tiên với điểm chuẩn đầu vào từ 27 điểm trở lên (theo phương thức xét Học bạ và điểm thi THPT) với 72/60 chỉ tiêu sinh viên và hiện đã xác nhận nhập học, đồng thời VKU cũng đã chuyển tiếp 100 sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính các khóa 22, 23 sang chuyên ngành Thiết kế vi mạch.
Qua trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu giữa đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà trường, VKU hy vọng sẽ có nhiều chương trình hợp tác ý nghĩa được triển khai trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ VKU trong đào tạo nguồn nhân lực Vi mạch bán dẫn cho Thành phố Đà Nẵng nói riêng và thị trường toàn cầu.
TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu về trang thiết bị phục vụ cho Vi mạch bán dẫn
Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã đến tham quan hệ thống các phòng Lab thực hành, Trung tâm Server, Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH).
Trung tâm Học liệu và Truyền thông
Một số hình ảnh:
234 Views