Đại học Đà Nẵng giữ nguyên mức học phí, đảm bảo chất lượng dạy và học, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên yên tâm trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của Covid-19, năm học 2021-2022, Đại học (ĐH) Đà Nẵng giữ nguyên mức học phí như năm học trước nhằm hỗ trợ sinh viên. Các trường đại học thành viên ĐH Đà Nẵng vừa nghiêm túc thực hiện điều này vừa nỗ lực bảo đảm chất lượng dạy học.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn trong giờ học công nghệ năm học 2020-2021. (Ảnh chụp tháng 12-2020)Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn trong giờ học công nghệ năm học 2020-2021. (Ảnh chụp tháng 12-2020). Ảnh: NGỌC HÀ

Giữ nguyên mức học phí

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021, không tăng như dự kiến ban đầu. Cụ thể, học phí tùy thuộc vào các chuyên ngành sẽ có 3 mức gồm: 12,5 triệu đồng/năm, 16,5 triệu đồng/năm và 19,5 triệu đồng/năm. Mức thu học phí từ năm học 2022-2023 trở về sau có thể tăng nhưng không quá 10% mức học phí của năm trước liền kề.

Ngoài việc giữ nguyên mức học phí, nhà trường thực hiện nhiều đợt hỗ trợ gia đình của sinh viên gặp khó khăn trong mùa dịch và mưa bão vừa qua. Đồng thời, phối hợp doanh nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội – chi nhánh Đà Nẵng để cấp học bổng, miễn giảm học phí, cho vay đối với sinh viên học giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng cũng giữ nguyên học phí như năm học 2020-2021 với mức từ 5,3 triệu – 6 triệu đồng/1 học kỳ, ngoài ra không có các khoản thu khác ngoài quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, trong mùa tuyển sinh năm 2021-2022, nhà trường có chính sách hỗ trợ tài chính học tập với mức hỗ trợ tương đương 50% – 100% học phí 2 học kỳ đầu của khóa học dành cho các đối tượng sinh viên có thành tích cao.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thực hiện thu học phí theo đúng Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Nghị định 116/2020/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đối với học phí các ngành ngoài sư phạm có 2 mức (khối ngành tự nhiên và khối ngành xã hội), trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/học kỳ tùy theo khối ngành. ThS. Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm cho biết, những năm tiếp theo, học phí sẽ được xác định lại trên cơ sở học phí của năm 2021 và cũng tăng không quá 10%.

Bảo đảm chất lượng dạy học

Năm học 2021-2022, dù không tăng học phí nhưng các trường đại học thành viên ĐH Đà Nẵng vẫn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng dạy học. PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU cho biết, nhà trường được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy móc dành cho sinh viên ngành công nghệ, vườn ươm khởi nghiệp sinh viên cùng với chương trình giảng dạy tiên tiến…

Đặc biệt, từ năm 2022-2026, dự kiến VKU được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thêm hơn 200 tỷ đồng để phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, đáng chú ý là xây dựng sân trường đại học thông minh (VKU Smart Campus) với trọng tâm: thư viện thông minh, hệ thống thông tin thông minh và năng lượng sạch; xây dựng trung tâm đổi mới (VKU Innovation Center) gồm triển khai các chương trình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, điểm đến du lịch, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy mới, thường xuyên cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế; VKU kỳ vọng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, PGS.TS Huỳnh Công Pháp chia sẻ.

PGS. TS Trần Đình Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Kinh tế cho biết, giai đoạn 2020-2022, nhà trường đưa vào sử dụng công trình tòa nhà đa năng để nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên, đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị phòng học, khu thực hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động học tập, nghiên cứu của người học.

Về chương trình đào tạo, ngoài 5 chương trình được kiểm định theo chuẩn AUN-QA (bộ tiêu chuẩn với rất nhiều quy tắc khắt khe về chất lượng của mạng lưới các trường đại học hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á), năm 2021, nhà trường tiếp tục tham gia kiểm định chất lượng AUN (ASEAN University Network – mạng lưới các trường đại học hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á) đối với 3 chương trình đào tạo ngành: du lịch, tài chính, ngân hàng.

Ngoài việc chú trọng xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn các nước tiên tiến, thay đổi phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong dạy và học thì môi trường học tập nói chung và cơ sở vật chất nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng chất lượng dịch vụ của trường đại học. Do đó, chúng tôi tạo mọi điều kiện để thầy cô và sinh viên cảm thấy thoải mái khi đến trường, từ đó có những giờ dạy và học hiệu quả, PGS. TS Trần Đình Khôi Nguyên nói.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định, việc giữ nguyên mức học phí năm học 2020-2021 đối với các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và sinh viên. ĐH Đà Nẵng cũng chỉ đạo các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng dạy học bằng nguồn kinh phí tích lũy được.

218 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng