VKU tiên phong trong đào tạo nhân lực Thiết kế vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước

Chiều ngày 25/10/2024, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin (ITI), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trao Chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 15 sinh viên (khóa đầu tiên).

Toàn cảnh chương trình Trao chứng nhận khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn

Tham dự, về phía VKU có PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Nhà trường, các Phó Hiệu trưởng: TS. Trần Thế Sơn, TS. Huỳnh Ngọc Thọ; về phía ITI có GS.TS. Trần Xuân Tú-Viện trưởng; về phía khách mời IEICE SeMI, có GS. Kazuya Monden-Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật (Tập đoàn Hitachi, Nhật Bản), các Phó Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật: GS. Yasunori Owada-Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Quốc gia, Nhật Bản, GS. Shunsuke Saruwatari-Đại học Osaka, Nhật Bản; cùng Lãnh đạo các đơn vị Phòng, Khoa, Trung tâm và 15 sinh viên tham gia khóa đào tạo, nhiều giảng viên, sinh viên Nhà trường quan tâm.

TS. Huỳnh Ngọc Thọ – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chúc mừng

Phát biểu chia sẻ, TS. Huỳnh Ngọc Thọ – Phó Hiệu trưởng Nhà trường vui mừng khi chứng kiến 15 học viên là sinh viên khóa đầu tiên đã xuất sắc hoàn thành Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ đối với các em mà còn đối với VKU. Với vị thế là trường đại học công lập hàng đầu tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, VKU tự hào là đơn vị tiên phong tuyển sinh, đào tạo, và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về Thiết kế vi mạch bán dẫn – một lĩnh vực đầy tiềm năng và chiến lược tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Sự kiện ngày hôm nay là minh chứng cho những nỗ lực của Nhà trường trong việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Theo đó, VKU đã rất tích cực triển khai nhiều hoạt động, là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế Vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600-1.000 kỹ sư đến năm 2028, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần, trong đó có thêm định hướng Vi mạch bán dẫn để đào tạo chuyển đổi các sinh viên từ năm 1 (khóa 2023) đến năm 3 (khóa 2021) nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn nhân lực lĩnh vực này. Ngoài ra, VKU cũng đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn. Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực về đóng gói, kiểm thử Vi mạch bán dẫn. Tuyển sinh đào tạo các lớp upskills cho sinh viên. Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. VKU cũng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH); Phòng thí nghiệm và nghiên cứu Công nghệ mới và Vi mạch bán dẫn với Nam Long Group, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác chiến lược trong và ngoài nước như Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội); Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn; Công ty FPT Software miền Trung; Đại học Kyunghee (Hàn Quốc); Hiệp hội Vi mạch bán dẫn hệ thống hàng đầu Hàn Quốc (KFIA), … và nhiều đối tác khác.

Phối hợp Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng, cùng toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố (trong đó có 6 giảng viên của VKU đã hoàn thành khóa học và được trao chứng nhận tại Ngày Vi mạch Đà Nẵng – 30/8). Ngoài ra, Thành phố Đà Nẵng cũng trao 17 suất học bổng cho giảng viên tham gia chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức theo sự tài trợ của Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (trong đó có 6 giảng viên VKU đang theo học).

Đặc biệt, tuyển sinh đầu vào năm 2024, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn với 60 chỉ tiêu, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh, phụ huynh với hơn 1.500 hồ sơ tổng các nguyện vọng, kết quả có 71 thí sinh có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (theo phương thức học bạ và THPT) từ 27 điểm trở lên, thuộc top đầu cả nước.

GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQG Hà Nội phát biểu

Về phía ITI, GS.TS. Trần Xuân Tú-Viện trưởng chúc mừng khóa sinh viên chuyển đổi đầu tiên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng. Qua triển khai hợp tác đào tạo nhận thấy sinh viên đến từ Đà Nẵng rất đam mê, khám phá học tập công nghệ, có nền tảng tư duy tốt và phát huy trí tuệ trong việc tiếp thu kiến thức mới. Trong thời gian tới, hy vọng sẽ có một số sinh viên được đào tạo chuyên sâu hơn nữa về chuyên ngành vi mạch bán dẫn. ITI sẽ tiếp tục đồng hành cùng VKU và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ sinh viên tìm nguồn học bổng, cũng như tham gia các dự án quốc tế. Với nền tảng được đào tạo tại khóa học, các em sinh viên có thể tham gia vào làm việc ngay tại doanh nghiệp trong nước và quốc tế về thiết kế vi mạch bán dẫn.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường (bên trái ngoài cùng) và GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng ITI (bên phải ngoài cùng) trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 2 giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử

Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho sinh viên được tuyển sinh từ tháng 01/2024 và chính thức khai giảng vào ngày 23/03/2024 với 15 học viên từ các ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Điện tử viễn thông, Điện, Cơ điện tử, và Tự động hóa, … Khóa bồi dưỡng được thiết kế thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 tháng đầu), tập trung vào việc cung cấp lý thuyết và thực hành cơ bản về thiết kế vi mạch. Giai đoạn 2 (3 tháng sau), học viên được tham gia vào các dự án thực tế, giúp củng cố kiến thức và kỹ năng thông qua các bài tập và thử thách thực tiễn. Chương trình đào tạo bao gồm 4 module chính: (1) VLSI Design; (2) Basic Digital Design & Hardware Description Language (SystemVerilog/Verilog/VHDL); (3) Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; và (4) Thiết kế mạch tương tự cơ bản. Đặc biệt, khóa học được triển khai trên hệ thống phần mềm có bản quyền của Synopsys, một trong những công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế vi mạch, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quá trình học tập và thực hành của học viên. Đây là một chương trình đào tạo hoàn chỉnh, mang đến cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại và tiên tiến trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường (bên trái ngoài cùng) và GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng ITI (bên phải ngoài cùng) trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn cho các học viên

Đặc biệt, sau khi kết thúc khóa học, nhóm sinh viên VKU gồm Lý Hữu Lộc, Lê Trọng Quyền, Đặng Anh Cường, Lưu Quang Vũ (Khóa 21 – Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính) và sinh viên Hồ Minh Phi (Khóa 21 – Chuyên ngành IoT Robotics) với sự hướng dẫn từ các Giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử và các chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin (ITI) – ĐHQG Hà Nội đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu đưa ra bản đề xuất ý tưởng Thiết kế IC với đề tài “High-Speed Implementation of Ascon for Image Encryption and Decryption” để tham gia chương trình về Thiết kế vi mạch The Universalization of IC Design from CASS (UNIC-CASS 2024) do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức và đã được Hội đồng giám khảo UNIC-CASS 2024 xét duyệt và chấp thuận. Dự kiến tháng 04/2025 sẽ công bố kết quả sản phẩm Chip thực tế được chế tạo.

Sinh viên Lê Trọng Quyền (Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính – Khóa 21) – Đại diện toàn thể học viên khóa bồi dưỡng phát biểu cảm ơn

Thay mặt toàn thể học viên, sinh viên Lê Trọng Quyền gửi lời cảm ơn chân thành Quý Thầy cô Nhà trường và Viện ITI đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên hoàn thành khóa học. Nội dung chương trình đào tạo được thiết kế rất phù hợp với năng lực của chúng em từ lý thuyết đến thực hành và làm dự án thực tế. Với hệ thống phần mềm công nghiệp hiện đại, có bản quyền, hệ thống máy chủ mạnh đã giúp chúng em rất nhiều trong quá trình học tập và thực hành tại Trường. Qua chương trình, chúng em đã hiểu và vận hành được các quy trình thiết kế để tạo ra những sản phẩm thực tế. Với những kiến thức học được từ chương trình này cũng như kinh nghiệm thực tiễn mà thầy cô chia sẻ sẽ là cơ sở và nền tảng giúp cho chúng em tiếp tục phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn còn nhiều kiến thức mới cần nghiên cứu, tìm hiểu.

Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng hệ thống phần mềm có bản quyền từ Synopsys, các học viên đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án thực tiễn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Sự kiện trao chứng nhận không chỉ là kết quả của những nỗ lực học tập mà còn là bước đệm quan trọng giúp sinh viên tự tin tiến bước vào thị trường công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực trong nước và quốc tế. VKU, với vai trò tiên phong trong đào tạo vi mạch bán dẫn, sẽ tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu và hợp tác với các đối tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ này.

Trung tâm Học liệu và Truyền thông

Mời xem tin trên các báo:

Một số hình ảnh:

93 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng