VKU: Đề xuất các giải pháp Nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục bậc đại học Việt Nam thông qua triển khai thực hiện hiệu quả dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc

Ngày 04/07/2024, Đoàn Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng do PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn, cùng tham gia có TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng, TS. Lê Hà Như Thảo – Trưởng phòng Phòng KHCN&HTQT đã tham dự và báo cáo tham luận tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục bậc đại học Việt Nam do KOICA Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Đoàn tham gia chương trình hội thảo

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội thảo

Phát biểu chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường niềm vui mừng và trân quý đến với Chính phủ và Nhân dân Hàn Quốc đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư các dự án ODA trong thời gian vừa qua. Qua đó, VKU được thành lập ngày 03/01/2020 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị cấu thành có bề dày lịch sử trên 20 năm. Trong suốt hành trình hình thành và phát triển, bên cạnh sự đầu tư rất lớn của Chính phủ Việt Nam, sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT và Đại học Đà Nẵng, VKU rất vinh dự nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt là tổ chức KOICA thông qua các dự án ODA với tổng mức đầu tư hơn 24 triệu USD, đã đóng góp rất lớn, là điều kiện quan trọng để thành lập và phát triển VKU hôm nay trở thành một học hiệu hàng đầu tại Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước về đào tạo, nghiên cứu công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, nhất là ở các khía cạnh thu hút tuyển sinh, chất lượng đào tạo, đội ngũ viên chức – giảng viên, cơ sở vật chất hạ tầng, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp.

TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo

Tham gia báo cáo tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng giới thiệu đôi nét về dự án Nâng cao năng lực giáo dục – đào tạo, quản trị và nghiên cứu giai đoạn 2022-2027 trị giá 7,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA mà VKU hiện tại đang triển khai. Dự án có mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng đối với VKU nhằm phát triển trở thành trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và đẳng cấp quốc tế về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp với 4 mục tiêu chính gồm:

  1. Xây dựng VKU trở thành trường đại học số đầu tiên tại Miền Trung bao gồm đầy đủ các trụ cột: (1) Hạ tầng số với hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, thiết bị, hệ thống, máy móc thông minh, hiện đại; (2) Hệ quản trị số với đầy đủ các chức năng quản trị, quản lý và hỗ trợ ra quyết định nhanh, chính xác và hiệu quả; (3) Hệ dịch vụ số với đầy đủ chức năng quản lý, khai thác, hỗ trợ hoạt động, tương tác trên môi trường số đối với các bên liên quan (sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp,…); và (4) Cộng đồng số với đầy đủ dữ liệu và định danh số.
  2. Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế; Bồi dưỡng đội ngũ hành chính chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ kỹ năng số, ngoại ngữ; Nâng cao năng lực quản trị và quản lý hiện đại, tiên tiến cho đổi ngũ lãnh đạo, quản lý của VKU.
  3. Nâng cao, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình mới mang tính đột phá, dẫn dắt xã hội và thị trường lao động toàn cầu.
  4. Thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, giao lưu văn hóa, học thuật với thế giới và Hàn Quốc. Trong đó, hạng mục xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và nghiên cứu được khai trương trong chiều hôm nay để chuẩn bị sẵn sàng điều kiện hạ tầng cho việc trang bị thiết bị các phòng Studios, Smart classrooms, Marker space,…trong khuôn khổ dự án.

Qua đó, để triển khai hiệu quả dự án ODA, TS. Trần Thế Sơn đề xuất một số giải pháp cụ thể:

  • Chủ động và tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản, Bộ, ngành và đặc biệt hợp tác chặt chẽ với KOICA và đơn vị quản lý dự án (PMC), thực hiện đúng quy định của 2 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.
  • Thường xuyên trao đổi, thảo luận giữa các bên liên quan, nhận thức và chia sẻ bối cảnh, văn hóa và phong cách làm việc khác nhau giữa các bên.
  • Luôn hướng đến mục tiêu chính của dự án, làm rõ các mục tiêu, chỉ số nhằm đạt được mục tiêu cao nhất.
  • Thiết lập hệ thống và quản lý tốt hồ sơ của toàn bộ dự án.

Thông qua Hội thảo Nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục bậc đại học Việt Nam, VKU hy vọng sẽ tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích qua những chia sẻ từ phía KOICA Việt Nam, cũng như các trường đại học trên toàn quốc đang thụ hưởng dự án ODA từ Chính phủ Hàn Quốc để sớm trở thành trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và đẳng cấp quốc tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường toàn cầu.

Trung tâm Học liệu và Truyền thông

Một số hình ảnh:

319 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng