Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm việc với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn nhằm triển khai chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch và AI

Chiều ngày 24/11/2023, Đoàn công tác của UBND Thành phố Đà Nẵng do ông Hồ Kỳ Minh-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực làm Trưởng đoàn, cùng ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Đoàn Ngọc Chung-Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và các doanh nghiệp có TS. Nguyễn Thanh Lâm-Giám đốc Synopsys Nam Á, bà Mai Thị Như-Giám đốc Phát triển kinh doanh Intel Việt Nam đã có buổi làm việc với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng nhằm triển khai chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch và AI tại VKU trong thời gian đến.

Ông Hồ Kỳ Minh-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc

Về phía VKU, có PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng, cùng Lãnh đạo các đơn vị Phòng, Khoa, Trung tâm thuộc Nhà trường.

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Nhà trường đã báo cáo với Lãnh đạo thành phố những kết quả mà VKU đã đạt được trong thời gian qua với những định hướng phát triển và kế hoạch sẵn sàng trong đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và AI với những điểm nổi bật trọng tâm như: VKU có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào cho tất cả 14 ngành/chuyên ngành đào tạo từ 24-26 điểm, thuộc top đầu ở Miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, với cộng đồng sinh viên hiện có gần 6.000 và định hướng đạt từ 8.000-10.000 sinh viên đại học, sau đại học đến năm 2025. Đội ngũ cán bộ giảng viên hiện có trên 250 người, trong đó có gần 60 tiến sỹ và phó giáo sư, chiếm tỷ lệ gần 41%. Đây là con số cao vượt trội so với tỷ lệ tiến sĩ trung bình chung của cả nước (là 30%). Bên cạnh đó, VKU đã chú trọng kết nối và xây dựng mạng lưới trên 200 đối tác chiến lược gồm các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia quá trình đào tạo, tuyển dụng việc làm và tài trợ, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo Chương trình toàn cầu song ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn với NiX Education, FSoft, Evo Labs,…. và triển khai nhiều hoạt động, sân chơi, chương trình trao đổi học thuật-văn hóa quốc tế, triển khai dự án thực tế, thực tập, hợp tác doanh nghiệp, tăng cường giảng dạy bằng ngoại ngữ, nhất là 100% các luận văn tốt nghiệp của sinh viên được viết/trình bày bằng tiếng Anh. Mặt khác, VKU cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực giảng viên, sinh viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị tập trung cho các lĩnh vực:

  • Về đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, VKU là trường đại học đầu tiên ở Miền Trung vừa công bố tuyển sinh và đào tạo dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024-2027 khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn. VKU đã triển khai hợp tác với Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội), Viện Tích hợp hệ thống (Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn) để khai đào tạo; hợp tác với Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long triển khai phòng LAB thực nghiệm và nghiên cứu công nghệ mới tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư vào các lĩnh vực Thiết kế vi mạch, IoT, GIS, Cloud, Robotics và 5G; và hợp tác với Công ty FPT Software Miền Trung hợp tác trong việc phối hợp tuyển dụng, thực tập thực tế dành cho sinh viên theo học Thiết kế vi mạch bán dẫn tại VKU. Ngoài việc đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch, VKU cũng sẽ triển khai các lớp Accelerator (tăng tốc), tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm.
  • Về đào tạo AI, VKU đã mở chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (năm 2021) thành ngành Trí tuệ nhân tạo (năm 2023) với hơn 300 sinh viên hiện đang theo học tại trường, cùng với gần 30 tiến sĩ tham gia giảng dạy.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng VKU phát biểu 

Là trường đại học đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, VKU mong muốn Lãnh đạo UBND thành phố quan tâm đầu tư cho các trường đại học (trong đó có VKU) và có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, ký túc xá nhằm thu hút HSSV, các giảng viên, chuyên gia đầu ngành về Vi mạch bán dẫn, AI đến học tập và làm việc tại thành phố; xây dựng Trung tâm Thiết kế vi mạch, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng AI dùng chung; hỗ trợ kết nối giữa trường đại học với các doanh nghiệp Vi mạch, AI cho sinh viên tham gia thực tập, thực tế tại doanh nghiệp;

Đoàn công tác UBND thành phố, đại diện các Doanh nghiệp đến làm việc với nhà trường

Qua trao đổi, thảo luận giữa Đoàn công tác UBND thành phố, đại diện các Doanh nghiệp và Lãnh đạo nhà trường, Phó Chủ tịch thường trực đánh giá cao vai trò, vị trí của nhà trường trong hoạt động đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin cho thành phố, đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất và đề nghị VKU cần tăng cường kết nối với các Doanh nghiệp ICT Hàn Quốc nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp trao đổi với các đơn vị Synopsys, Intel để nhanh chóng tiếp nhận phần mềm có bản quyền về đào tạo vi mạch bán dẫn, tích hợp một số module đào tạo về AI vào chương trình hiện có để đẩy nhanh tiến trình đào tạo; cử 2 giảng viên, chuyên gia AI tham gia vào Trung tâm Thiết kế vi mạch, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng AI của thành phố. Về phía thành phố sẽ đề xuất các chính sách đặc thù để các trường đại học, doanh nghiệp có thể tiếp cận, khai thác sử dụng cơ sở vật chất thuộc tài sản công và nghiên cứu triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, chỗ ở cho HSSV, giảng viên và các chuyên gia thu hút về lĩnh vực Vi mạch, AI.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và VKU sẽ tiếp tục phát huy những tiềm lực, thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu và định hướng phát triển Nhà trường gắn liền với những bước đi của Thành phố Đà Nẵng.

Một số hình ảnh:

Trung tâm Học liệu và Truyền thông VKU

450 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng