Diễn đàn gặp gỡ và kết nối lãnh đạo, các nhà khoa học Đông Nam Á và quốc tế lần thứ 3 – 2025 (ACIR+ 2025) tại Campuchia

Chiều ngày 13/07/2025, trong khuôn khổ Hội thảo CITA 2025 – Lần thứ 14, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia đã diễn ra Diễn đàn Kết nối và Phát triển mạng lưới cộng đồng lãnh đạo, học giả các trường đại học Đông Nam Á và quốc tế (ASEAN Consortium for Innovation and Research – ACIR+) lần thứ 3 do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Cộng đồng ACIR tổ chức, nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

Toàn cảnh Diễn đàn ACIR+ 2025

Đồng chủ trì ACIR+ 2025, có PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, TS. Sopheap Seng – Viện trưởng Học viện Công nghệ Kỹ thuật số (CADT), Campuchia và GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan). Tham dự, về phía VKU có PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Huỳnh Ngọc Thọ-Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên ACIR, các nhà khoa học uy tín, lãnh đạo các trường đại học trên thế giới tham dự ACIR và CITA, lãnh đạo và giảng viên của VKU và CADT..

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Trưởng Ban Tổ chức – Hiệu trưởng VKU phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc ACIR+ 2025, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Trưởng Ban Tổ chức – Hiệu trưởng VKU vui mừng chào đón các Nhà khoa học, Lãnh đạo các hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế, Lãnh đạo các đơn vị thành viên ACIR tham dự ACIR+ và CITA 2025. Diễn đàn Kết nối và Phát triển “ASEAN Consortium for Innovation and Research – ACIR” được VKU khởi xướng vào năm 2023 và được cộng đồng các nhà khoa học, các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức KOICA, các nhà khoa học Anh Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc, Ireland, Pháp, … Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong khu vực. Qua đó, ACIR+ đã tiếp nhận được nhiều ý tưởng mới trong việc tổ chức, nâng cao chất lượng Hội thảo CITA và từ 2025 luân phiên tổ chức tại các trường đại học trong cộng đồng ACIR; tăng cường hợp tác nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác giữa ACIR và FISU Việt Nam.

Trong 2 năm qua, nhiều hoạt động kết nối, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học giữa các thành viên ACIR đã được diễn ra, cụ thể như tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế như CITA 2023, CITA 2024, ATC 2023, SeMI 2024, AWRIS (VKU chủ trì), ICTA 2024 (ICTU chủ trì), ISDS 2023 (CTU chủ trì), Nguồn nhân lực Vi mạch bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu 2024 (VKU phối hợp ITI-VNU ), STEM 2025, ISEP (VKU phối hợp KMUTNB chủ trì); VKU và Phenikaa đã hợp tác triển khai thành công dự án “Nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên trong thời đại chuyển đổi số” do Hội đồng Anh tài trợ, VKU và ITI phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho giảng viên và sinh viên các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Postdoc; Đặc biệt, VKU đã khởi xướng, phối hợp ACIR tổ chức Hội nghị Sinh viên nghiên cứu và đổi mới sáng tạo các trường đại học Đông Nam Á và quốc tế (AWRIS 2024) lần đầu tiên. Ngoài ra, VKU cũng tích cực hợp tác với KMUTNB (Thái Lan) triển khai nhiều hoạt động trao đổi học thuật giữa giảng viên, sinh viên với nhiều chương trình hoạt động phong phú.

Tại Diễn đàn ACIR+ 2025, đại diện các nhà khoa học và thành viên cộng đồng ACIR đã cùng nhau chia sẻ những định hướng chiến lược, đề xuất tổ chức các hội nghị, hội thảo học thuật chuyên sâu, triển khai các dự án quốc tế chung, xây dựng tạp chí quốc tế ACIR nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới. Các giáo sư uy tín như GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Ireland) và GS.TS. Franck Leprévost (Luxembourg) đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về đổi mới sáng tạo và xu thế nghiên cứu toàn cầu. Nhiều sáng kiến nổi bật đã được đề xuất, trong đó có việc nâng tầm kỷ yếu hội thảo CITA lên nhóm A trong hệ thống xuất bản quốc tế (Springer – DBLP, Scopus, WoS), mở rộng hợp tác với các trường đại học châu Âu, đẩy mạnh giao lưu học thuật, trao đổi sinh viên, giảng viên và thực tập quốc tế. Những định hướng này không chỉ làm sâu sắc hơn mối liên kết giữa các thành viên ACIR, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác toàn diện, góp phần đưa giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á vươn xa trên bản đồ học thuật thế giới.

ACIR+ 2025 khép lại với nhiều ý tưởng lớn được kết nối, những tầm nhìn mới được mở ra và tinh thần hợp tác bền vững được lan tỏa mạnh mẽ. Với vai trò tiên phong, VKU tiếp tục là nhịp cầu kết nối tri thức và sáng tạo, đồng hành cùng cộng đồng học thuật khu vực và quốc tế kiến tạo nên một không gian đổi mới, hội nhập và phát triển. Diễn đàn không chỉ là nơi gặp gỡ của những nhà lãnh đạo, học giả, mà còn là nền tảng vững chắc cho các sáng kiến giáo dục, nghiên cứu vươn tầm Đông Nam Á và thế giới.

Trung tâm Học liệu và Truyền thông

Một số hình ảnh:

27 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng