Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng: VKU đóng vai trò chủ lực và tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vi mạch bán dẫn: khẳng định đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cùng các đề xuất chất lượng cho chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng và Việt Nam

Trong khuôn khổ Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024, chiều ngày 30/8/2024, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Nhà trường đã đại diện các cơ sở đào tạo của Đà Nẵng trình bày tham luận về Đào tạo nguồn nhân lực Vi mạch bán dẫn và đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực tại phiên Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Toàn cảnh Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng

Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng đã thu hút sự góp mặt của gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường đại diện các cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng tham luận và đề xuất các giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực Vi mạch bán dẫn

Với vai trò đại diện các cơ sở đào tạo vi mạch bán dẫn tiêu biểu của Đà Nẵng và cả nước, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp đã tham luận, trình bày về những định hướng và một số kết quả đạt trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại thành phố, cùng các đề xuất, giải pháp chính sách thu hút, nuôi dưỡng nguồn lực qua góc nhìn từ phía trường đại học trong hơn 10 tháng qua kể từ khi thành phố có những bước triển khai chủ trương phát triển lĩnh vực Vi mạch bán dẫn là một trong những lĩnh vực mũi nhọn phát triển thành phố trong tương lai.

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp chia sẻ, hiện nay trên địa bàn thành phố có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin với chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hơn 7.000 sinh viên/1năm, trong đó có 6 trường đào tạo các chuyên ngành gần lĩnh vực vi mạch bán dẫn và có 3 trường tuyển sinh thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm 2024 với 200 chỉ tiêu, dự kiến năm 2025 là 400 chỉ tiêu và năm 2026 là 600 chỉ tiêu. Như vậy, mục tiêu đào tạo 1.500-2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của thành phố đến năm 2030 chắc chắn sẽ đạt được.

Với vị thế của một trường đại học công lập hàng đầu, VKU nhận thức rõ trách nhiệm, sứ mệnh của mình đối với đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về Vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo. Theo đó, VKU đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn năm từ năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028. Bên cạnh đó, VKU cũng chủ động mời các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để nâng cao năng lực cho sinh viên trong rèn luyện kỹ năng mềm, nắm bắt kiến thức về công nghệ, tiếp cận thực tế các dự án của doanh nghiệp. Với chương trình đào tạo tiên tiến và phương pháp đổi mới định hướng ứng dụng, sinh viên được học các kiến thức công nghệ ngay từ năm 1, năm 2 cùng với việc tăng cường kỹ năng về ngoại ngữ tiếng Anh, Nhật, Hàn. VKU từng bước xây dựng và đã sẵn sàng với đội ngũ gần 30 giảng viên cơ hữu trong lĩnh vực vi điện tử, vi mạch bán dẫn, kỹ thuật máy tính (gửi 3 giảng viên sang Hàn Quốc làm Tiến sĩ, Postdoc về lĩnh vực vi mạch bán dẫn); Khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh từ nguồn kinh phí dự án ODA của Hàn Quốc (10 tỷ đồng), phòng thí nghiệm công nghệ mới của Tập đoàn Nam Long Group tài trợ; phòng Lab về IoT và vi mạch gần 20 tỷ đồng dự kiến hoạt động năm 2026 từ dự án WorldBank của ĐHĐN; xây dựng không gian nghiên cứu và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; phối hợp với Trung tâm DSAC, Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội) và sự đồng hành của Tập đoàn Synopsys tổ chức đào tạo cho 25 giảng viên nguồn Thiết kế vi mạch (khóa đầu tiên) của Thành phố, tổ chức lớp Upskill cho 14 sinh viên các ngành gần. Đặc biệt, tuyển sinh đầu vào năm 2024, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn với 60 chỉ tiêu, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh, phụ huynh với hơn 1.500 hồ sơ tổng các nguyện vọng, kết quả điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (theo phương thức học bạ và THPT) là 27 điểm, thuộc top đầu cả nước.

Định hướng, chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn

Qua báo cáo tham luận tại tọa đàm, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp đã đề xuất tại Hội nghị 3 nhóm vấn đề về sự lựa chọn phát triển mảng thiết kế vi mạch, đầu tư phát triển hạ tầng và cơ chế, chính sách, hợp tác quốc tế với 6 đề xuất phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn cụ thể:

  • Định hướng và thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ.
  • Chính sách giữ chân, thu hút người học giỏi theo học Vi mạch bán dẫn, trong đó áp dụng mô hình như chính sách đào tạo sinh viên sư phạm (Nghị định 116 của Chính phủ) miễn học phí, cấp sinh hoạt phí, học bổng, chỗ ở, …
  • Đầu tư lớn cho các trường đại học đào tạo Vi mạch bán dẫn như thu hút giảng viên giỏi, chuyên gia, nhà khoa học Việt Kiều, nước ngoài; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành.
  • Tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp như xây dựng các mô hình đào tạo đặt hàng cho doanh nghiệp, thực tập và triển khai dự án của doanh nghiệp tại trường đại học học, nghiên cứu các bài toán thực tế.
  • Đảm bảo và cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, trong đó có trách nhiệm của chính quyền về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; trách nhiệm của trường đại học với chất lượng đào tạo như điểm chuẩn đầu vào cao, đạt chuẩn mực quốc tế về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng để sẵn sàng làm việc toàn cầu.
  • Phát triển đào tạo nghiên cứu bền vững như nghiên cứu sâu về khoa học cơ bản; đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn gắn liền với trí tuệ nhân tạo, IoT, 5G; phát triển mạnh đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực điện, điện tử.

Với những tiềm năng và định hướng trong thời gian tới, VKU hy vọng và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Thành phố Đà Nẵng để sớm phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng nền kinh tế của thành phố nói riêng và góp phần nhỏ bé vào phát triển, nguồn nhân lực cho Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Nghi thức trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng – Sở Thông tin và Truyền thông với 06 trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Tại Hội nghị đã diễn ra nghi thức trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng – Sở Thông tin và Truyền thông với 06 trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật, ĐH Duy Tân và ĐH FPT, Đông Á) về phối hợp và hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Các giảng viên VKU nhận giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng giảng viên nguồn thiết kế vi mạch của Thành phố Đà Nẵng

Đồng thời, Thành phố cũng trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch cho 22 giảng viên nguồn của thành phố Đà Nẵng do Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng tổ chức đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tài trợ của Công ty Synopsys, trong đó có 6 giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử của VKU (TS. Nguyễn Vũ Anh Quang, TS. Dương Hữu Ái, TS. Vương Công Đạt, TS. Phan Thị Lan Anh, ThS. Ninh Khánh Chi, ThS. Phan Thị Quỳnh Hương) tham gia và hoàn thành.

6 giảng viên VKU trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức

Bên cạnh đó, Thành phố cũng thông báo danh sách 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức (theo sự tài trợ của Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), trong đó có 6 giảng viên VKU (TS. Nguyễn Vũ Anh Quang, TS. Dương Hữu Ái, TS. Nguyễn Nhật Ân, TS. Dương Ngọc Pháp, TS. Phan Thị Lan Anh, ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang).

Trung tâm Học liệu và Truyền thông

Sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Với sự góp mặt của gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” kỳ vọng sẽ là diễn đàn để các bên trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố, hướng đến xây dựng thương hiệu Đà Nẵng – Trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham dự trực tuyến của hơn 100 đại biểu.

Sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” bao gồm 02 phiên chính: Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn vào buổi sáng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn vào buổi chiều cùng ngày.

Thành phố Đà Nẵng đã công bố lấy ngày 30/8 hàng năm là Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Mời xem thêm tin trên các báo:

Một số hình ảnh:

531 Views

Tân sinh viên Tư vấn tuyển sinh Cơ sở vật chất Thư viện điện tử Đề án tuyển sinh Chương trình toàn cầu Tra cứu văn bằng