VKU: Tiếp và làm việc với Đại diện PUM (Hà Lan) về hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học
Ngày 12/04/2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã có buổi tiếp đón và làm việc với đại diện Pum, Hà Lan (Programma Uitzending Managers) trong quá trình thực hiện xây dựng và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong trường Đại học.
Đại diện Pum, Hà Lan (Programma Uitzending Managers) cùng lãnh đạo VKU chụp hình tại khuôn viên Nghiên cứu khởi nghiệp và sáng tạo VKU
Tham dự buổi làm việc, về phía VKU có TS. Lê Hà Như Thảo – Phó Trưởng phòng Phụ trách Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Phụ trách các Chương trình khởi nghiệp, Thường trực Ban tổ chức cuộc thi PISI (Chương trình ươm mầm ý tưởng sáng tạo dành cho sinh viên), các giảng viên Khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử, Sinh viên tham gia cuộc thi PISI và thành viên CLB Khởi nghiệp của VKU tham dự.
TS. Lê Hà Như Thảo – Phó Trưởng phòng Phụ trách Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Phụ trách các Chương trình khởi nghiệp, Thường trực Ban tổ chức cuộc thi PISI (bên trái) trao đổi nội dung làm việc cùng đoàn PUM
Về phía đại diện của PUM, có Ông Sven Decker – Đại diện PUM, cùng các thành viên tham gia tại buổi làm việc.
Nhằm thúc đẩy tinh thần và tư duy khởi nghiệp trong sinh viên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn đã và đang triển khai Chương trình Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp (PISI) rất thành công trong 05 năm qua. PISI là chương trình hỗ trợ và tài trợ để triển khai các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, các bạn trẻ ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tư duy năng động, ý tưởng khởi nghiệp cũng như giúp học sinh, sinh viên hiện thực hóa được giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm sáng tạo.
Là một sân chơi hữu ích, kích thích tư duy sáng tạo của sinh viên; bên cạnh những lợi thế, hỗ trợ từ phía Nhà trường, đối với những nhà tổ chức chương trình PISI, vẫn luôn trăn trở, mong muốn xây dựng chương trình được vươn tầm xa hơn, mở rộng và ngày càng tạo nhiều lợi ích giá trị hơn trong xã hội thông qua những cầu nối giữa các Doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các mạnh thường quân…
Tổ chức PUM do Hiệp hội Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan thành lập năm 1978, là tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ, cung cấp chuyên gia, tư vấn không thu phí. PUM gồm hơn 3.200 chuyên gia Hà Lan, 1.700 tình nguyện viên tại 150 cơ quan đại diện ở hơn 30 nước, với mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp SME ở khu vực các nước đang phát triển: châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh. PUM đã cung cấp hàng nghìn lượt chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ, dạy nghề, thiết lập mối quan hệ với các đối tác Hà Lan và EU.
Ông Sven – PUM (bên trái) đánh giá cao và rất ấn tượng với quá trình triển khai và phát triển các hoạt động của VKU
Ông Sven – PUM đánh giá cao và rất ấn tượng với quá trình triển khai và phát triển các hoạt động của VKU nói chung, hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp nói riêng. Với sự hỗ trợ đến từ các chuyên gia kinh nghiệm trong công nghệ, cải tiến sản phẩm của Tổ chức PUM, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây được xem là một cơ hội lớn được tăng cường trao đổi quan hệ hợp tác cùng PUM, ngoài sự kỳ vọng lớn lao trong quá trình phát triển và thúc đẩy tinh thần tư duy khởi nghiệp trong sinh viên, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện dự án của Tổ chức PUM dành cho VKU trong thời gian tới, sẽ mang đến những cơ hội lớn dành cho sinh viên, tiềm năng trở thành những startup thực thụ, giúp các em nâng cao năng lực bản thân, mở rộng con đường học tập và làm việc trong tương lai.
Với lộ trình xây dựng, phát triển dài lâu cùng tổ chức PUM, Nhà trường sẽ đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại VKU, giúp các sinh viên tham gia học tập, được trải nghiệm thêm nhiều kiến thức kỹ năng, kinh nghiệm quý báu. Hi vọng, qua sự kết nối này, sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực, những thành tựu lớn trong tương lai phía trước.
Một số hình ảnh:
Trung tâm Học liệu và Truyền thông VKU
292 Views