VKU hiến kế phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao cho Thành phố Đà Nẵng tại Tọa đàm Khoa học
Chiều ngày 20/5/2025, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã tham dự Tọa đàm khoa học “Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới” do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức. Sự kiện là dịp quan trọng nhằm gặp gỡ, tri ân đội ngũ trí thức, nhà khoa học nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), đồng thời là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Toàn cảnh chương trình tọa đàm
Tham dự và phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Nhà trường đã chia sẻ góc nhìn từ một cơ sở giáo dục đại học chủ lực trong lĩnh vực công nghệ số tại miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, ươm tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, vi mạch bán dẫn và công nghệ tài chính (Fintech).
PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU chia sẻ
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp giới thiệu, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) là một trong ba đại học vùng trọng điểm quốc gia, quy mô gần 60.000 sinh viên với 06 trường đại học thành viên, 01 phân hiệu và nhiều đơn vị trực thuộc, giữ vai trò then chốt trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Trong đó, VKU nổi bật là đơn vị đào tạo lớn hàng đầu về công nghệ số với gần 7.000 sinh viên và gần 300 cán bộ, giảng viên, nhiều người được đào tạo từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. VKU đang triển khai mạnh mẽ các chương trình đào tạo song ngữ (Anh-Việt, Hàn-Việt, Nhật-Việt), xây dựng mô hình đại học – doanh nghiệp, đồng thời tiên phong trong đào tạo vi mạch bán dẫn hợp tác cùng các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Synopsys. Nhà trường cũng tích cực mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng thực hành và tư duy toàn cầu.
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã xác định rõ công nghệ số là động lực phát triển, đẩy mạnh lĩnh vực AI và vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để thực hiện thành công các chiến lược lớn. Với khoảng 2.600 doanh nghiệp công nghệ số và nhu cầu đến năm 2030 là 150.000 nhân lực, thành phố cần triển khai một chiến lược toàn diện, bền vững. Trên tinh thần đó, VKU đề xuất một số nhóm giải pháp thiết thực:
- Giáo dục phổ thông: Để xây dựng nền tảng nhân lực số bền vững, cần bắt đầu từ giáo dục phổ thông với việc tích hợp giáo dục STEM vào chương trình tiểu học, trung học. Các nội dung như lập trình cơ bản, tư duy số, an toàn thông tin, tài chính, trí tuệ nhân tạo nên được đưa vào từ bậc trung học cơ sở. Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ công nghệ, trại hè, cuộc thi sáng tạo để học sinh có môi trường rèn luyện và khám phá. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo tiếng Anh và tiến tới giảng dạy song ngữ một số môn học như Toán, Khoa học tự nhiên, … là bước đi quan trọng để chuẩn bị hành trang hội nhập sớm cho học sinh.
- Giáo dục đại học và đào tạo nghề: Ở cấp độ đại học và đào tạo nghề, cần thiết kế các chương trình linh hoạt, hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm đáp ứng sát nhu cầu thị trường lao động. Các trường cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, triển khai thực tập, học kỳ doanh nghiệp và nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, phòng thí nghiệm hiện đại sẽ góp phần tạo ra môi trường học tập thực tiễn và đổi mới cho người học.
- Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Thành phố cần hỗ trợ thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn, vi mạch, Fintech,… tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia phát triển sản phẩm công nghệ. Các cơ chế như quỹ hỗ trợ nghiên cứu, tài trợ công bố quốc tế, khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp hình thành văn hóa nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm hiệu quả hơn.
- Học hỏi kinh nghiệm quốc tế: Việc tiếp thu mô hình đào tạo quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực số. Mô hình co-op (kết hợp học và làm) như tại Canada giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình học. Singapore là hình mẫu trong việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ nghề nghiệp, còn Mỹ nổi bật với văn hóa học tập suốt đời và hệ thống học trực tuyến mở. Việc học hỏi và linh hoạt vận dụng các mô hình này sẽ giúp Đà Nẵng nâng cao năng lực thích ứng của người học với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường công nghệ.
- Chính sách và cơ chế hỗ trợ: Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ. Cụ thể, cần ưu tiên học bổng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học ngành công nghệ cao – vốn là lĩnh vực học phí cao nhưng đầy tiềm năng phát triển. Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia công nghệ quốc tế đến làm việc tại Đà Nẵng nhằm bổ sung nhân lực chất lượng cao cho giảng dạy, nghiên cứu và dẫn dắt đổi mới. Đây là yếu tố nền tảng để Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Tọa đàm là diễn đàn thiết thực để các nhà khoa học, chuyên gia cùng nhau chia sẻ tâm huyết, kiến tạo giải pháp nhằm phát triển bền vững nguồn nhân lực số cho Đà Nẵng – trung tâm sáng tạo của khu vực miền Trung. Các ý kiến từ VKU, đặc biệt của PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, đã góp phần định hình tầm nhìn chiến lược cho thành phố trong kỷ nguyên số. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự dẫn dắt của các cơ sở giáo dục tiên phong như VKU, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, vươn tầm khu vực.
Trung tâm Học liệu và Truyền thông
Một số hình ảnh:
4 Views